Nhổ răng sữa cho bé: Thời điểm, quy trình và cách chăm sóc sau nhổ

Nhổ răng sữa cho bé là một trong những việc làm cần thực hiện khi đến một giai đoạn nhất định nào đó. Một vài trường hợp có thể thực hiện ngay tại nhà để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng có trường hợp cần phải đến nha khoa để bác sĩ thực hiện đảm bảo an toàn không để lại biến chứng. Và để giúp các bố mẹ hiểu hơn, mời bạn đọc những thông tin hữu ích ngay dưới đây. 

Răng sữa là gì? Vai trò đối với sức khỏe bé

Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc khi bé bước vào tháng tuổi thứ 6, chúng sẽ bao gồm 20 chiếc với 10 chiếc hàm trên và 10 chiếc hàm dưới. Thông thường những chiếc răng nào được mọc trước thì sẽ lung lay và rụng đi.

Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc lên khi bé bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc lên khi bé bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm

Hầu hết các bố mẹ thường không quá quan tâm đến răng sữa của trẻ nhỏ bởi quan niệm chúng sẽ rụng đi và thay thế bằng những chiếc răng trưởng thành. Về quy trình đúng là như vậy, tuy nhiên, việc nhổ răng sữa cho bé không đúng thời điểm, không đúng cách lại ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình mọc răng sau này và tính thẩm mỹ, chức năng nhai cắn của răng.

Những chuyên gia nha sĩ, họ nhận định, răng sữa đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe răng miệng nói chung cũng như quá trình trưởng thành của răng vĩnh viễn sau này. Chúng cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến việc hình thành hàm răng khỏe đẹp cho bé. Cụ thể những lợi ích của răng sữa được làm rõ và chi tiết nhất như:

  • Răng sữa giúp bé trong những năm tháng đầu đời có thể ăn uống, nhai, nghiền nhỏ thức ăn, chính vì thế mà chúng thường mọc khi bắt đầu bước sang tháng tuổi thứ 6 khi bé bắt đầu ăn dặm.
  • Răng sữa giúp bé có thể phát âm đúng, chuẩn tránh tật nói ngọng.
  • Những chiếc răng này còn tác động rất nhiều đến cấu trúc của hệ xương hàm. Khi chức năng nhai cắn được đảm bảo thì cũng giúp cơ và xương hàm được phát triển bình thường nhất, đảm bảo tính thẩm mỹ cho khuôn mặt nói chung.
  • Ngoài ra răng sữa chính là tiền đề cho những chiếc răng mọc vĩnh viễn sau này có thể mọc đúng, mọc thẳng hàm, đều đẹp, tránh xô đẩy, khấp khểnh, lệch lạc khớp cắn,…

Nắm chắc được những kiến thức về răng sữa là một trong những cách giúp việc nhổ răng cho bé được đúng cách, đúng quy trình và biết thời điểm thực hiện tốt nhất.

Nhổ răng sữa cho bé đúng cách đóng vai trò quan trọng
Nhổ răng sữa cho bé đúng cách đóng vai trò quan trọng

Thời điểm nào nên nhổ răng sữa cho bé?

Trừ những trường hợp gặp vấn đề về răng miệng như sún răng, sâu răng, hay những chấn thương ngoại lực ảnh hưởng đến răng sữa thì tốt nhất, bố mẹ nên để những chiếc răng sữa được rụng một cách tự nhiên. Những chiếc răng theo thứ tự sẽ rụng vào những thời điểm nhất định trong khoảng thời gian đầu đời thường từ 5 – 12 tuổi. Cụ thể:

  • Hai chiếc răng rửa giữa ở cả hàm trên và hàm dưới sẽ rụng trước do chúng được mọc đầu tiên thường từ 5 – 7 tuổi.
  • Hai chiếc răng cửa nằm cạnh của cả hàm trên và hàm dưới sẽ rụng từ 7 tuổi đến 8 tuổi.
  • Răng ranh hai chiếc của hàm trên – dưới sẽ rụng khi bé từ 9 – 12 tuổi.
  • Răng hàm đầu tiên ở hàm trên – dưới sẽ rụng khi bé 9 – 11 tuổi.
  • Răng hàm thứ 2 có hai chiếc cũng ở hàm trên và dưới sẽ rụng trong độ tuổi 10 – 12.

Tùy vào cơ địa thể chất của từng trẻ mà thời gian này sẽ có sự chênh lệch một chút, bé sớm hơn, bé chậm hơn nhưng bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Phụ huynh chỉ cần theo dõi định kỳ, quan sát sự phát triển của hàm răng và sớm nhận diện những vấn đề bất thường kịp thời đi thăm khám nha khoa.

Như đã nói ở trên, trong một vài trường hợp nhất định, bố mẹ cần nhổ răng sữa cho bé sớm để phòng tránh những hệ quả không mong muốn về sau. Cụ thể như:

  • Răng sữa chưa lung lay nhưng đã thấy cồi răng vĩnh viễn mọc lên.
  • Răng sữa của bé bị mẻ, sâu, sún, cùng tình trạng hôi miệng.
  • Răng sữa bị nhiễm trùng, hư tủy lâu ngày và có dấu hiệu lan sang những chiếc răng khỏe mạnh bên cạnh.
  • Răng sữa gặp tình trạng viêm cement cấp, viêm quanh chóp răng, tụt nướu,… và xuất hiện biến chứng nhiễm khuẩn xung quanh răng, lợi.
Những trường hợp răng sâu, sun, chấn thương được chỉ định nhổ bỏ sớm hơn
Những trường hợp răng sâu, sun, chấn thương được chỉ định nhổ bỏ sớm hơn

Những trường hợp trên đây sẽ được bác sĩ chỉ định nhổ răng sữa ngay cả khi chúng chưa lung lay hay chưa đến thời điểm nhổ. Mục đích là để bảo toàn những chiếc răng bên cạnh, tránh tình trạng viêm nhiễm lan rộng vào tủy và ổ xương hàm. Lúc này việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn thậm chí là ngăn cản quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.

Tuy nhiên để áp dụng việc nhổ răng sữa sớm cho trẻ cần được chỉ định của bác sĩ, bố mẹ không nên tự ý thực hiện. Bởi nếu không đúng cách lại có tác dụng ngược gây mất cân bằng hệ xương hàm, cấu trúc răng miệng và còn ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn. Trừ những trường hợp thật sự đặc biệt, phần lớn bác sĩ sẽ không nhổ răng sữa mà sẽ điều trị theo hướng bảo tồn, đồng thời để những chiếc răng sữa được rụng đi vào đúng thời điểm, một cách tự nhiên.

Có nên tự nhổ răng sữa cho bé ngay tại nhà

Nếu theo quy trình bình thường, răng sữa đã lung lay chân, sức khỏe và thời điểm nhổ răng của bé hoàn toàn bình thường, bố mẹ có thể tự thực hiện nhổ cho bé tại nhà được. Chỉ cần ba mẹ tuân thủ đúng theo hướng dẫn và những bước vệ sinh trước trong và sau khi nhổ là được.

Còn với những trường hợp bé cần nhổ răng sữa trong khi sức khỏe đang gặp vấn đề, cần nhổ răng sớm hơn theo chu kỳ rụng do nguyên nhân bệnh lý nào đó, tốt nhất nên đến những cơ sở y tế để nha sĩ thực hiện. Bởi lúc này cần những loại dụng cụ chuyên khoa, sát trùng, đảm bảo an toàn khi nhổ, tránh gây nên những tổn thương không đáng có cho bé. Với những trường hợp này nếu bố mẹ tự ý nhổ tại nhà có thể khiến bé phải đối diện với một số những biến chứng nguy hiểm nhất như:

  • Nhổ răng dẫn đến tình trạng bé bị nhiễm trùng lợi, viêm lợi do dụng cụ nhổ không đảm bảo tính an toàn.
  • Chân răng không được lấy hết, khiến chúng còn tồn tại ở dưới nướu gây nhiễm trùng, thậm chí là áp xe răng lan rộng.
  • Thao tác nhổ răng mạnh khiến bé bị sợ hãi, ám ảnh tâm lý.
  • Không xử lý kịp thời vết nhổ khiến máu chảy nhiều, khó cầm máu.
  • Những bé bị bệnh về tim mạch, máu khó đông, bệnh về hệ miễn dịch cần tránh nhổ răng tại nhà. Bởi tác động này không đúng cách sẽ gây nên những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

Cho nên, những trường hợp răng không thể tự rụng hoặc bố mẹ không tự tin về việc nhổ răng tại nhà, tốt nhất hãy đưa bé đến nha khoa. Nha sĩ có trình độ, chuyên môn cao cùng quy trình nhổ răng khoa học, nhanh chóng cầm máu và giảm đau cho bé hiệu quả nhất, phòng tránh hệ quả không mong muốn.

Những trường hợp nhổ sớm nên đến những cơ sở chuyên khoa để thực hiện
Những trường hợp nhổ sớm nên đến những cơ sở chuyên khoa để thực hiện

Hướng dẫn cách nhổ răng sữa cho bé đúng nhất

Nhổ răng sữa cho trẻ đúng cách là vấn đề rất quan trọng. Dưới đây bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách tự nhổ tại nhà cũng như quy trình chung khi nhổ tại nha khoa để có cái nhìn tổng quát nhất.

Cách nhổ tại nhà an toàn

Nhổ răng tại nhà chỉ áp dụng cho những bé có sức khỏe bình thường, không bị bệnh lý gì về răng miệng và răng sữa đã bị lung lay rất nhiều. Những bước thực hiện phải đảm bảo:

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch sẽ bằng xà phòng, nước sát khuẩn và thấm khô tay bằng khăn bông sạch.
  • Bước 2: Cho bé súc miệng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng. Mục đích để làm sạch răng miệng, lấy hết vụn thức ăn kẹt lại ở kẽ ra ngoài.
  • Bước 3: Bố mẹ tiến hành quấn một miếng bông bên cạnh chiếc răng sữa cần nhổ, đã được sát khuẩn. Đặt ngón trỏ và ngón cái của tay vào răng theo chiều hướng ra ngoài, tránh để tình trạng rụng ra lúc bé sợ hãi lại nuốt vào bụng.
  • Bước 4: Dùng lực ở ngón tay vặn ra hướng ngoài, ngay sau khi răng rời khỏi lợi dùng miệng bông sạch đặt lên vị trí chân răng và yêu cầu trẻ cắn chặt để cầm máu. Sau khi máu đã được cầm cần quan sát lại vị trí nướu răng xem còn sót “dấu tích” của chân răng hay không. Thường thì nếu như răng lung lay quá lâu rồi nhổ thì sẽ không gặp tình trạng sót chân răng khi nhổ

Trong quá trình nhổ răng sữa cho bé, bố mẹ cần liên tục hỏi thăm tình hình, quan sát bé, hoặc có cách nói chuyện để đánh lạc hướng trẻ. Mục đích là để bé bớt tâm lý, không sợ hãi và thả lỏng sẽ tốt cho việc nhổ răng hơn. Ngoài cách dùng lực ở ngón tay để nhổ thì có thể sử dụng chỉ nha khoa, chắc chắn và cũng khá hiệu quả.

Nhổ răng tại nhà cần đặc biệt chú ý vấn đề sát khuẩn
Nhổ răng tại nhà cần đặc biệt chú ý vấn đề sát khuẩn

Quy trình nhổ răng sữa cho trẻ tại nha khoa

Khi nhổ răng sữa cho trẻ tại nha khoa sẽ được tiến hành theo đúng quy trình chuẩn khoa học gồm các bước cơ bản như sau:

  • Khám răng tổng quát: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám răng miệng của bé một cách tổng quát nhất. Qua đó cũng giúp họ biết được tình trạng sức khỏe của bé, xem bé có bị bệnh về răng miệng hay không để có hướng giải quyết tốt nhất.
  • Sát khuẩn và gây tê: Nha sĩ sẽ bắt đầu cho bé súc miệng, sát khuẩn răng miệng thêm một lượt nữa và gây tê với liều lượng vừa đủ ở vị trí răng cần nhổ. Việc này sẽ giúp bé gần như mất cảm giác, không cảm thấy đau đớn khi nhổ.
  • Tiến hành nhổ răng: Nha sĩ sẽ dùng dụng cụ nha khoa như kìm, kẹp để lấy đi chiếc răng sữa cần nhổ bỏ. Sau đó cũng cầm máu bằng bông băng, khi máu không còn chảy nữa, cho bé súc miệng lại một lần là hoàn thành xong việc nhổ răng.
  • Trao đổi lại với nha sĩ: Bước cuối cùng thì bố mẹ sẽ được trao đổi với nha sĩ về hướng dẫn chăm sóc khi về nhà sau khi nhổ để tránh làm nhiễm trùng và kích thích răng vĩnh viễn nhanh mọc hơn.

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho bé sau khi nhổ

Sau khi nhổ răng sữa cho bé, việc chăm sóc răng miệng sau đó để tránh nhiễm trùng cũng đóng vai trò quan trọng. Bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm vấn đề này để hướng dẫn con cái. Cụ thể như sau:

  • Ngay khi nhổ nên nhắc trẻ cắn chặt miếng bông để cầm máu.
  • Trong những trường hợp bé quá đau, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau liều lượng thấp trong 1 – 2 ngày đầu để giảm cảm giác này.
  • Sau khi nhổ 1 – 2 ngày đầu nên cho bé ăn cháo loãng, đồ ăn dễ tiêu, mềm, trái cây để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể và kích thích mầm răng mới mọc lên nhanh hơn.
  • Bố mẹ giúp bé vệ sinh răng miệng đúng cách tránh để vi khuẩn gây bệnh tại vị trí mới nhổ.
  • Không cho bé dùng những loại đồ ăn cứng, lạnh hay quá nóng, kẹo cao su vì có thể làm vị trí răng sữa mới nhổ bị nhiễm trùng.
  • Hướng dẫn trẻ không dùng lưỡi chạm vào vị trí răng mới nhổ. Điều này có thể tạo điều kiện đẩy vi khuẩn xuống vị trí này.
  • Nếu sau khi nhổ thấy biểu hiện lạ, bất thường nên quay lại nha khoa và thăm khám và kiểm tra.
Quá trình chăm sóc răng miệng sau khi nhổ cũng cần đặc biệt lưu tâm
Quá trình chăm sóc răng miệng sau khi nhổ cũng cần đặc biệt lưu tâm

Nhổ răng sữa cho bé ở đâu uy tín, chất lượng nhất

Nhổ răng sữa cho bé là một thủ thuật nha khoa khá đơn giản và cơ sở y tế nào chỉ cần có chuyên khoa răng đều có thể thực hiện được. Dưới đây là một số địa chỉ uy tín được nhiều bố mẹ tin tưởng:

  • Học viện Quân Y: Phòng răng hàm mặt của Học viện Quân Y là địa chỉ nhổ răng sữa của nhiều bậc phụ huynh khá tin tưởng và lựa chọn cho con cái. Được thành lập từ lâu cùng đội ngũ bác sĩ và thiết bị y tế cao cấp có thể giải quyết mọi vấn đề nhanh nhất. Địa chỉ hiện tại đang ở số 160 trên đường Phùng Hưng, Phường Phúc La, Hà Đông – thủ đô Hà Nội.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chuyên khoa răng của bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng được đánh giá rất cao cả về chất lượng và hiệu quả mang lại. Đội ngũ bác sĩ ở đây có bề dày chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Bệnh nhân có thể đến địa chỉ tại Hà Nội là số 1 đường Tôn Thất Tùng.
  • Bệnh viện Răng hàm mặt TP HCM: Là một đơn vị nổi tiếng trong miền Nam chuyên thăm khám, nhổ răng và nhiều vấn đề khác về răng miệng được người dân tin tưởng và lựa chọn. Những dịch vụ và chất lượng tại đây chắc chắn sẽ không khiến bệnh nhân thất vọng. Địa chỉ chính xác bệnh viện tại số 263-  265 trên đường Trần Hưng Đạo thuộc Phường Cô Giang, Quận 1.

Nhổ răng sữa cho bé tuy chỉ là một việc làm nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến sau này. Do đó, bố mẹ không nên chủ quan có thể đi thăm khám và thực hiện quy trình nhổ theo đúng khoa học nhất.

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo