Đau răng gây hại cho sức khỏe thế nào? Nguyên nhân và cách điều trị

Đau răng là hiện tượng không hề hiếm gặp, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, tại bất kỳ thời điểm nào. Do trong khoang miệng có nhiều tổ chức khác nhau nên tình trạng đau răng sẽ rất khó để xác định là do nguyên nhân nào gây nên nếu không đến khám bác sĩ. Tình trạng đau răng tuyệt đối không nên coi thường vì chúng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau. Do vậy hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng đau răng trong nội dung sau đây.

Các biểu hiện thường thấy khi bị đau răng

Đau răng là tình trạng nhức mỏi, ê buốt bên trong răng hoặc xung quanh bề mặt trăng. Các biểu hiện của đau răng đi kèm sẽ không giống nhau, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể. Đại đa số người bệnh khi bị đau răng sẽ có những biểu hiện như:

  • Răng bị đau khi cắn đồ ăn hoặc khi ăn những món ăn lạnh, chua, nóng
  • Vùng nướu lợi quanh răng có dấu hiệu sưng, ửng đỏ, hơi ngứa, chạm vào bị đau nhức
  • Dễ bị chảy máu chân răng khi ăn, khi đánh răng dù tác động rất nhẹ
  • Có tình trạng hôi miệng, hơi thở có mùi khó chịu, thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng bị đắng miệng
  • Đau nhức ngay cả khi không có tác động từ bên ngoài
  • Thường kèm theo biểu hiện sốt nhẹ

Cơn đau răng có thể kéo dài liên tục hoặc theo từng cơn với cường độ khác nhau. Sau khi ăn uống đau nhức trở nên dữ dội hơn.

Một vài vị trí đau răng thường thấy:

  • Đau răng cửa
  • Đau răng hàm (đau răng cấm)
  • Đau răng khôn

Đau răng cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân gây đau răng

Răng là bộ phận kết nối với rất nhiều dây thần kinh, mạch máu do vậy đây được xem là cơ quan đặc biệt nhạy cảm. Khi các dây thần kinh bị tác động dù là nhỏ nhất cũng có thể gây nên những cơn đau dữ dội.

Khi bị đau răng, hầu hết chúng ta không thể tự xác định nguyên nhân vì có rất nhiều bệnh lý liên quan đến răng miệng rất phức tạp. Cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán một cách chi tiết, chính xác nhất. Cụ thể, đau nhức răng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau đây:

Sâu răng

Sâu răng là tình trạng mô cứng của răng bị tổn thương, những tổn thương này chủ yếu là do vi khuẩn gây nên. Sau khi ăn uống, nếu việc vệ sinh răng miệng không được tiến hành một cách cẩn thận, cặn thức ăn sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Đây là nơi vi khuẩn trú ngụ, và chúng sẽ tấn công răng ngay khi có cơ hội.

Sâu răng sẽ bắt đầu bằng việc gây nên những đốm đen trắng li ti trên răng, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các lỗ sâu sẽ dần lan rộng ra và dần ăn sâu vào tủy. Vi khuẩn khi tấn công vào ngà răng sẽ gây nên những cơn đau nhức dữ dội và khi sâu răng gây viêm tủy cơn đau sẽ càng trầm trọng hơn và nguy cơ gây nên những biến chứng đặc biệt nguy hiểm.

Viêm tủy răng

Tủy răng là phần sâu bên trong cùng của cấu trúc răng, là phần đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tấn công. Viêm tủy cũng là hậu quả của vi khuẩn khi tấn công sâu vào bên trong. Viêm tủy răng gây nên những cơn đau kinh khủng hơn sâu răng rất nhiều lần và người bệnh thường phải dùng đến thuốc giảm đau để khắc phục.

Dấu hiệu để người bệnh có thể nhận biết bệnh viêm tủy răng ngoài những cơn đau có thể là hiện tượng răng bị lung lay, đau buốt lên tận đỉnh đầu, vùng nướu răng bị sưng to, thâm tái và có thể xuất hiện túi mủ,…

Việc không điều trị triệt để viêm tủy răng có thể gây nên biến chứng áp xe chân răng nhiễm trùng máu, gây mất răng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Viêm lợi nướu

Bắt đầu từ hiện tượng sưng đỏ ở vùng chân răng, vùng lợi dễ bị chảy máu khi có những tác động nhẹ và chưa gây nên đau đớn. Nếu đau răng do viêm lợi nướu tức là tình trạng này đã trở nên nặng hơn, khiến vùng xương hàm cũng bị ảnh hưởng, xương hàm có thể bị đẩy về phía sau, các khoảng trống ở kẽ răng dần rõ ràng hơn và lâu ngày sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.

Những người bị viêm lợi nặng sẽ gặp phải các biểu hiện như đau nhức quanh răng, đau răng sưng lợi, lợi chảy máu, sưng má, mùi hôi hơi thở,…. Biến chứng của viêm lợi phải kể đến là viêm nha chu là tăng khả năng bị đột quỵ, những người bệnh bị viêm lợi nếu đáng mắc các bệnh mãn tính khác cũng sẽ đặc biệt nguy hiểm hơn.

Viêm nha chu

Nha chu là tên gọi của tổ chức bao quanh răng, làm nhiệm vụ chống đỡ cho răng, giúp răng khỏe mạnh, rắn chắc. Viêm nha chu là tình trạng các tổ chức này bị nhiễm trùng, gây tổn thương đến vùng mô mềm và phá hủy phần xương xung quanh răng. Viêm nha chu là bệnh lý răng miệng phổ biến bậc nhất hiện này, có thể xuất hiện ở hầu hết các đối tượng, chủ yếu là trẻ em.

Đi kèm với triệu chứng đau răng, viêm nha chu còn gây nên các biểu hiện như sự thay đổi của màu sắc nướu lợi, thân răng dài hơn do tụt lợi, cảm giác răng thưa hơn và đặc biệt dễ bị chảy máu chân răng.

Áp xe răng

Áp xe răng cũng là một tình trạng bệnh rất cần để ý, đó là khi một chiếc răng trên hàm bị sưng, đau, có dấu hiệu tụ mủ, dễ chảy máu, chảy dịch ra ngoài. Áp xe răng là bệnh tiến triển khá nhanh theo 2 dạng:

  • Áp xe quanh thân răng: Nguyên nhân chính là do không điều trị triệt để sâu răng, khiến răng bị hoại tử, dần dần phần xương hàm và màng xương cũng bị tổn thương.
  • Áp xe nha chu: Là sự phá hủy các mô nha chu do vi khuẩn, chúng bắt đầu gây viêm, tích mủ và dần dần khiến các tổ chức nha chu quanh răng bị hủy hoại.

Biểu hiện rõ rệt nhất của áp xe răng là mùi hơi thở khó chịu, thậm chí có mùi tanh do sự xuất hiện của mủ. Vùng lợi nướu có màu khác, khi chạm nhẹ chân răng cũng có cảm giác rất đau. Áp xe có thể khiến răng bị sưng, răng lung lay, yếu chân răng và có thể bị rụng răng.

Mọc răng khôn

Răng khôn (răng số 8) mọc ở vị trí trong cùng của hàm nhai và chỉ mọc ở những người đã trường thành. Khác với những chiếc răng khác, răng khôn thường không mọc theo bất kỳ quy luật nào, chúng có thể mọc ngầm, mọc nghiêng, mọc kẹt với các tư thế rất khó hiểu.

Đó cũng là lý do đa số chúng ta đều bị đau răng khi mọc răng khôn.

Đau răng do mọc răng khôn chỉ xuất hiện ở khu vực răng số 8 và các vùng lân cận thậm chí đau răng dẫn đến đau tai. Nếu răng không được xử lý cũng có thể bị viêm nhiễm lâu dài và ảnh hưởng đến các răng gần đó.

Các nguyên nhân gây đau răng khác

Ngoài các bệnh lý răng miệng điển hình kể trên, thống kê cũng cho thấy, một vài nguyên nhân yếu tố khác sau đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau răng:

  • Mắc bệnh viêm xoang
  • Hậu quả của việc chấn thương như ngã xe, va đập mạnh vào răng khiến răng bị lung lay
  • Răng bị sứt mẻ, mòn cổ răng
  • Thức ăn kẹt giữa các răng quá lâu
  • Đi ngủ có tật nghiến răng
  • Đau khớp thái dương hàm.

Bị đau răng khắc phục như thế nào?

Khi có dấu hiệu đau răng nhẹ, bạn nên chú ý theo dõi thật kỹ về tình trạng của mình. Nếu vùng răng không bị lở loét hay có dấu hiệu tích mủ, vẫn có thể là do việc vệ sinh răng không sạch sẽ gây nên. Bạn đọc có thể sử dụng một vài mẹo vặt để cải thiện đau nhức tại nhà. Tuy nhiên, nếu không có sự cải thiện, đau nhức ngày một nặng nề hơn, thì việc đến nha khoa thăm khám là rất cần thiết.

Giảm đau nhức tạm thời tại nhà

Khi cơn đau chưa thực sự cấp bách, bạn có thể tham khảo một vài mẹo nhỏ như sau để cải thiện:

Súc miệng với nước muối

Đây là cách dễ dàng và nhanh nhất mà ai cũng nghĩ tới đầu tiên. Tuy đơn giản nhưng nước muối loãng lại mang lại những công dụng đáng ngờ đối với tình trạng đau răng. Khi súc miệng, các vụn thức ăn hay mảng bám đều sẽ được loại bỏ khỏi kẽ răng. Thêm vào đó, thành phần kháng khuẩn trong nước muối sẽ có tác dụng làm sạch và giảm viêm tại các vị trí tổn thương nhẹ và nhanh chóng làm lành chúng.

Bạn nên sử dụng nước muối pha thật loãng hoặc sử dụng nước muối sinh lý bán tại các hiệu thuốc để súc miệng. Sử dụng hàng ngày để đạt được hiệu quả tích cực sau vài ngày.

Chườm đá

Là các có thể ngay lập tức làm dịu cơn đau răng, sưng lợi nướu. Khi nhiệt độ xuống thấp, lưu lượng máu chuyển đến vùng đau răng bị gián đoạn, tín hiệu cơn đau truyền đến não cũng bị đứt đoạn, cơn đau sẽ tạm thời bị tê liệt, nhờ đó mà bạn sẽ có cảm giác thoải mái hơn rất nhiều.

Việc chườm đá lên vùng má nên thực hiện lặp lại mỗi 10 phút, nghỉ 10 phút, không nên để đá chườm quá lâu. Mỗi khi bị đau nhức bạn đều có thể thực hiện chườm đá tại nhà. Tuy nhiên nếu cơn đau vẫn tiếp diễn nhiều lần về sau thì bạn nên đi khám để biết được nguyên nhân chính xác.

Dùng thuốc giảm đau

Người bệnh đau răng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để kịp thời giảm thiểu các triệu chứng cơn đau. Tuy nhiên, bạn nên đến hiệu thuốc hỏi ý kiến bác sĩ và mua thuốc, tránh tự ý dùng tại nhà. Bởi lẽ một số loại thuốc đau răng không thể sử dụng cho một vài đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Việc dùng thuốc này cũng chỉ mang lại hiệu quả tạm thời nếu cơn đau xuất phát từ các bệnh lý răng miệng khác.

Dùng đinh hương

Đinh hương được biết đến là thảo dược chữa đau răng khá phổ biến nhờ các thành phần kháng viêm, kháng khuẩn và ngăn chặn viêm nhiễm đặc biệt tốt.

Loại dược liệu này có mặt trong nhiều bài thuốc chữa đau răng và chúng cũng rất an toàn cho mọi đối tượng người bệnh.

Người bị đau răng có thể sử dụng tinh dầu đinh hương chấm vào chỗ đau răng hoặc nhai trực tiếp đinh hương và giữ trong miệng trong khoảng 10 – 20 phút để tinh chất thấm sâu vào chân răng.

Điều trị tại nha khoa

Tại nha khoa, điều trị đau răng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân chính. Cụ thể là các nha sĩ sẽ chẩn đoán bệnh, điều trị triệu chứng và có các biện pháp điều trị tận gốc từng bệnh lý.

Điều trị đau răng do sâu răng:

  • Trị liệu bằng fluoride khi mới chớm xuất hiện các đốm sâu răng, phương pháp này sẽ phục hồi tình trạng của răng một cách nhanh chóng và ngăn chặn sâu răng phát triển
  • Giai đoạn bắt đầu hình thành lỗ sâu, các bác sĩ sẽ sử dụng đến phương pháp trám răng để ngăn chặn sự tiến triển và lan rộng
  • Các lỗ sâu răng chưa quá lớn cũng có thể sử dụng phương pháp mão răng, inlay/onlay để phục hồi
  • Giai đoạn sâu răng ăn vào tủy gây viêm tủy răng bắt buộc phải thực hiện phương pháp chữa tủy và điều trị nội nha để loại bỏ hoàn toàn phần tủy viêm.
  • Nếu viêm tủy quá nặng, ảnh hưởng đến các tổ chức quanh răng khác, việc chữa tủy không mang lại hiệu quả như mong đợi cần tiến hành nhổ bỏ răng.

Điều trị đau răng do viêm lợi, nướu: 

  • Bước đầu tiên cần làm là loại bỏ cao răng bám chặt tại các chân răng đồng thời thực hiện các biện pháp làm sạch vùng lợi, nếu có biểu hiện đau nhức nặng cần kết hợp thuốc kháng sinh giảm đau.
  • Sau khi vùng lợi đã ổn định trở lại các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê để nạo túi lợi
  • Quá trình điều trị viêm lợi người bệnh sẽ cần sử dụng thêm một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm NSAID, thuốc Corticosteroid,…

Điều trị đau răng do viêm nha chu:

Tùy theo tình trạng viêm nhiễm và mong muốn của người bệnh mà các bác sĩ sẽ có những hướng điều trị phù hợp nhất:

  • Loại bỏ cao răng và mảng bám vi khuẩn trên các chân răng kẽ răng, chà chân răng để làm nhẵn bề mặt, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
  • Trường hợp viêm nha chu nặng hơn, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật giảm túi; ghép mô liên kết trong trường hợp người bệnh bị mất mô nướu; ghép xương trong trường hợp bị hủy xương quanh chân răng hoặc sử dụng protein kích thích mô,…

Điều trị đau răng do viêm tủy răng:

Điều trị tủy răng tại nha khoa áp dụng cho những trường hợp viêm tủy nặng. Quy trình điều trị viêm tủy răng sẽ thực hiện qua các bước gồm loại bỏ sạch phần tủy bị viêm, loại bỏ các tổn thương trong khoang tủy. Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh ống chứa tủy, trám kín lại và điều trị phục hồi răng.

Điều trị đau răng do áp xe răng:

  • Trường hợp áp xe nhẹ có thể sử dụng thuốc để làm dịu tổn thương và dần loại bỏ khối áp xe.
  • Trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện chích, rạch ổ chứa mủ, làm sạch mủ. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để giảm đau và giảm thiểu sưng tấy
  • Sử dụng phương pháp trị liệu ống rễ răng nếu muốn bảo tồn triệt để răng bị áp xe,
  • Trường hợp nhiễm trùng nặng sẽ phải tiến hành nhổ bỏ răng

Điều trị đau răng do mọc răng khôn:

Vốn dĩ răng không có chức năng ăn nhai quá quan trọng, hơn nữa việc mọc ngầm mọc lệch của răng sẽ khiến chất lượng hàm nhai, các răng xung quanh bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, để giải quyết triệt để tình trạng đau răng do mọc răng khôn, người bệnh nên tiến hành nhổ bỏ.

Các bác sĩ sẽ tiến hành chụp phim, quan sát tình trạng mọc của răng để tiến hành nhổ bỏ. Hiện nay có khá nhiều phương pháp nhổ răng khôn tiên tiến nên người bệnh không phải quá lo lắng.

Thuốc Đông y chữa bệnh đau răng

Đông y quan niệm răng là một phần thuộc về tạng thận, đau răng là hiện tượng bệnh lý liên quan đến tạng phủ. Muốn triệt để cần phải trị tiêu và trị bản, điều trị tại chỗ đến điều trị toàn thân.

Bài thuốc trị đau răng do phong nhiệt:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
  • Dùng: Đại hoàng sao tồn tính hoặc ngô thù du kết hợp bạch chỉ đem nghiền nhỏ và đắp vào chỗ bị đau
  • Ngâm trong miệng khoảng 10 phút rồi nuốt, mỗi ngày ngậm 2 lần

Bài thuốc trị đau răng do phong thấp:

  • Dùng rễ cây cà gai leo sắc thật đặc, ngậm mỗi ngày 2 lần sáng tối
  • Dùng nhũ hương, cốt toái bổ nghiền nhỏ, đắp vào chỗ bị đau

Bài thuốc trị đau răng sưng mộng răng:

  • Dùng hương phụ, thanh đại, sinh khương lượng theo chỉ định nghiền nhỏ rồi đắp vào vùng đau răng mỗi ngày 2 – 3 lần
  • Dùng thương nhĩ tử sắc thật đặc, đợi hơi ấm nóng thì đem ngậm trong miệng, khi thuốc nguội thì nhổ bỏ và súc miệng lại với nước sạch.
  • Dùng ngưu bàng tử sao vàng, sắc nước, đem ngậm một lúc rồi nuốt.

Bài thuốc trị đau răng do ăn đồ nóng:

  • Dùng: Thăng ma, sinh địa hoàng, cát căn, mẫu đơn bì, xích thược, liên kiều, cam thảo, hoàng cầm.
  • Đem sắc uống hàng ngày theo chỉ định của thầy thuốc

Đau răng nên ăn gì? kiêng gì để giảm thiểu cơn đau nhức

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt giúp cải thiện sức khỏe răng miệng. Khi bị đau răng, việc ăn uống của bạn cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, do vậy, việc xây dựng thực đơn phù hợp là vô cùng cần thiết.

Các món ăn cho người bị đau răng nên đảm bảo các tiêu chí như mềm, dễ nuốt, không chứa quá nhiều đường và không có tính acid mạnh. Những loại thực phẩm có tính chất như vậy sẽ khiến men răng yếu đi. Cụ thể, các món ăn nên và không nên sử dụng khi bị đau răng sẽ được gợi ý ngay sau đây:

Thực phẩm nên ăn:

  • Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa: Đa phần các loại sản phẩm này đều có kết cấu khá mềm, không cần dùng lực nhiều khi nhai và cũng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
  • Các món súp loãng: Bạn có thể chế biến đa dạng các loại thực phẩm thành súp để vừa dễ ăn, vừa ngon miệng và không bị nhàm chán.
  • Các loại cá béo: Thịt cá khá mềm nên việc nhai sẽ không gây tác động mạnh lên vùng răng bị đau Hơn nữa, cá béo là loại thực phẩm giàu acid béo, giàu omega,… đều là những thành phần kháng viêm giảm đau rất tốt.
  • Quảng mãng cầu: Loại quả này sẽ cung cấp cho bạn nhiều canxi và phospho, giúp bảo vệ răng một cách toàn diện nhất.
  • Gừng: Nếu bị đau răng, hãy thêm gừng vào các món ăn hằng ngày của bạn, bởi chúng có công dụng giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.
  • Uống trà xanh: Loại thảo dược giàu chất chống oxy hóa, flavonoid giảm đau kháng viêm này nhất định không nên bỏ qua cho những bạn đang bị đau răng làm phiền.

Thực phẩm nên tránh:

  • Các loại kẹo cứng: Tránh xa những loại kẹo cứng, đặc biệt là kẹo cứng có chứa nhiều đường. Ăn kẹo chứa nhiều đường là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và khiến sản sinh acid lactic gây hại cho men răng. Khi nhai đồ cứng cũng sẽ khiến răng bị tác động lực mạnh và đau nhức nặng nề hơn. Ngoài kẹo cứng thì các loại kẹo dai, kẹo dẻo cũng nên tránh xa.
  • Đồ uống có gas: Chúng có chữa nhiều đường và acid nên có thể khiến tình trạng đau răng kéo dài hơn.
  • Các loại trái cây chua: Điển hình nhất là trái cây họ cam quýt có tính acid nhẹ, chúng rất tốt cho sức khỏe nhưng lại không phù hợp với những người đang bị đau răng.
  • Các loại đồ lạnh: Đồ quá lạnh sẽ khiến răng bị nhạy cảm hơn, men răng yếu hơn và hoạt động của răng kém hiệu quả. Ví dụ kem lạnh vừa chứa nhiều đường lại khiến vi khuẩn có cơ hội bùng phát.
  • Thịt gà: Người bị đau răng không nên ăn thịt gà bởi kết cấu thịt gà là các sợi thịt nên rất dễ bị dính vào kẽ răng nếu không vệ sinh sạch sẽ. Chảng may thịt gà mắc vào vùng răng đang bị đau sẽ càng khiến cơn đau dữ dội hơn.

Khám chữa đau răng ở đâu uy tín?

Đa số người bệnh khi bị đau răng thường tự khắc phục tại nhà, chỉ khi cơn đau vượt quá kiểm soát mới nghĩ đến việc thăm khám. Trong những năm trở lại đây, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đang được nhiều người quan tâm hơn, do vậy, chúng tôi đã tổng hợp một vài bệnh viện phòng khám uy tín để người bệnh có thể an tâm khám chữa.

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội

Là bệnh viện chuyên khoa về răng miệng nên đặc biệt hội tụ các bác sĩ hàng đầu về răng hàm mặt. Bệnh viện được chia thành nhiều khoa điều trị khác nhau, trong đó có Khoa răng miệng trẻ em, Khoa điều trị cho người cao tuổi, Khoa điều trị tổng hợp, Khoa điều trị nội nha,…

Hầu hết các phòng khám tại bệnh viện đều được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến và hiện đại giúp người bệnh an tâm hoàn toàn trong quá trình thăm khám. Lợi thế của bệnh viện là điều trị khép kín nên đảm bảo vô trùng tuyệt đối.

Bệnh viện 103 – Khoa khám và điều trị răng miệng theo yêu cầu

Phòng khám Răng hàm mặt của bệnh viện 103 – Học viện Quân Y được thành lập từ năm 2013 và nhanh chóng trở thành địa điểm được rất nhiều người bệnh đau răng tin tưởng lựa chọn.

Phòng khám sở hữu những máy móc công nghệ tiên tiến bậc nhất, không chỉ điều trị bệnh lý về răng mà còn thực hiện các phục hình răng chuyên sâu, răng thẩm mỹ,… Đặc biệt, phòng khám làm việc tất cả các ngày trong tuần nên bất kỳ ai cũng có thể sắp xếp thời gian để đến điều trị.

Nha khoa Quốc tế Việt Pháp Hà Nội

Nha khoa Việt Pháp là một trong các nha khoa tư nhân nổi tiếng ở thủ đô với lượng bệnh nhân thăm khám khá đông. Tại đây tiếp nhận hầu hết các ca bệnh khám và điều trị các vấn đề về răng như đau răng, sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu,… Các bác sĩ của bệnh viện đều là những người có tay nghề cao, chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dặn. Cơ sở vật chất của phòng khám cũng là một trong những điểm cộng rất lớn để người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm tin tưởng.

Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn

Là bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt đầu ngành tại khu vực phía Nam, bệnh viện đã hoạt động rất nhiều năm và vẫn luôn được người bệnh đặc biệt tin tưởng lựa chọn. Qua nhiều lần đổi tên, bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn vẫn giữ vững được chuyên môn điều trị các bệnh lý răng miệng cho hầu hết mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người già. Bệnh viện phục vụ tất cả các ngày trong tuần và đều phục vụ 24/24.

Nha khoa Đông Nam TPHCM

Phòng khám nha khoa Đông Nam đã được sở Y tế cấp phép hoạt động hơn 15 năm này và đang là một trong những phòng khám tư nổi trội tại thành phố Hồ Chí Minh. Thế mạnh của phòng khám là được đầu tư xây dựng với các tiêu chuẩn vô trùng nghiêm ngặt, thiết bị máy móc cập nhật thường xuyên để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Hướng dẫn phòng ngừa đau răng ai cũng nên biết

Vì là hiện tượng ai cũng có thể gặp phải nên phòng ngừa sớm đau răng là điều cực kỳ cần thiết. Để ngăn chặn các bệnh lý răng miệng có thể có, chúng ta nên chú ý những điều sau đây:

  • Lựa chọn loại kem đánh răng có chứa Fluoride: Thành phần này sẽ giúp bảo vệ răng của bạn khỏi những tấn công của vi khuẩn cũng như acid từ thức ăn dung nạp hàng ngày. Mặc dù đa số các loại kem đánh răng hiện nay đều có chứa Fluoride nhưng bạn hãy lựa chọn loại sản phẩm nào tăng cường hàm lượng để bảo vệ răng tốt hơn.
  • Đánh răng đúng cách: Tuy ngày nào chúng ta cũng đánh răng nhưng không phải ai cũng đánh răng đúng. Việc đánh răng sai cách khiến hiệu quả loại bỏ mảng bám trên răng không thực sự triệt để, và đây chính là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề răng miệng. Hãy đánh răng theo chiều dọc hoặc theo vòng xoáy thay vì đánh răng theo chiều ngang như bạn vẫn thường thực hiện.
  • Ăn các loại thực phẩm lành mạnh: Như đã đề cập ở trên, đồ ăn nhiều đường sẽ không phải là một sự lựa chọn tốt cho sức khỏe răng miệng. Vậy nên hãy hạn chế một cách tối đa nhóm đồ ăn này.
  • Khám sức khỏe răng miệng định kỳ: Đừng để đến khi đau răng nặng rồi mới tìm đến bác sĩ, bạn hoàn toàn có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh lý răng miệng nếu thăm khám nha khoa một cách đều đặn.
  • Lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc: Một số nhóm thuốc Tây y có thể gây hại cho răng, do đó nếu cảm thấy uống thuốc gây khô miệng hãy cố gắng uống nhiều nước và nói chuyện với bác sĩ để tìm giải pháp.
  • Điều trị triệt để các vấn đề răng miệng: Nhiều người thường nghĩ bệnh răng miệng như sâu răng nhẹ, viêm lợi nhẹ có thể tự khỏi mà lơ là trong việc điều trị. Nếu không điều trị sớm và triệt để, bệnh lý răng miệng không chỉ gây đau răng mà có thể gây mất răng vĩnh viễn. Do vậy khi phát hiện dấu hiệu bệnh, hãy thực sự chú ý và thực hiện tuân thủ chỉ định điều trị.
  • Dùng chỉ nha khoa: Đa số chúng ta đều chỉ sử dụng bàn chải đánh răng, tuy nhiên, bạn có biết răng rất nhiều cặn thức ăn tồn đọng giữa kẽ răng không thể được loại bỏ bởi bàn chải. Cách đơn giản mà hiệu quả nhất vẫn là sử dụng chỉ nha khoa. Việc dùng tăm thực tế không được khuyến cáo vì sẽ rất gây hại cho răng.
  • Bổ sung canxi trong bữa ăn hàng ngày: Canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương và răng nên nếu muốn răng chắc khỏe tất nhiên bạn nên bổ sung canxi trong bữa ăn hàng ngày.

Đau răng có thể chỉ là một biểu hiện tổn thương răng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm. Do vậy, bạn không nên chủ quan với các tình trạng đau răng, hãy quan sát thật kỹ các triệu chứng và trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án khắc phục phù hợp nhất.

4.8/5 - (6 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo