Hôi miệng và những nguyên nhân ít ai biết đến – Phương án khắc phục ngay
Tình trạng hôi miệng khiến nhiều người gặp trở ngại trong giao tiếp và công việc. Đây có thể chỉ là hậu quả của việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ nhưng cũng không loại trừ khả năng là cảnh báo của các bệnh lý tiềm ẩn. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây hôi miệng là vô cùng cần thiết để có thể có phương án điều trị triệt để nhất.
Tổng quan về bệnh lý
Hôi miệng là tình trạng bệnh lý chỉ tình trạng hơi thở có mùi khó chịu, mùi hôi có thể xuất hiện từ bất kỳ tổ chức nào trong khoang miệng và gây nên sự khó chịu khi nói chuyện hoặc cười.
Nhiều thống kê cho thấy, tỷ lệ dân số mắc bệnh hôi miệng không hề nhỏ. Điều này là do sự chủ quan trong việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng cũng như việc sử dụng ngày càng phổ biến các loại đồ ăn nhanh, thức uống có cồn, có gas,…
Người bị hôi miệng thường sẽ cảm thấy tự ti về hơi thở của mình, dần tách ra khỏi sự giao tiếp xã hội và không thoải mái khi đứng trước người khác.
Nguyên nhân hôi miệng điển hình
Theo nhiều thống kê về các trường hợp hôi miệng, tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây nên cũng do nhiều yếu tố cấu thành. Trong số đó, nguyên nhân chính phải kể đến là việc giải phóng hợp chất sulphur gây mùi khó chịu trong khoang miệng. Và nguyên nhân này sẽ do một vài các yếu tố sau đây gây nên:
Sự tấn công của vi khuẩn
Hợp chất sulphur được xem là nguyên nhân bị hôi miệng được tạo ra bởi các vi khuẩn kỵ khí Gram âm. Chúng chính là tác nhân quan trọng trong hoạt động phân giải protein và hình thành khí sulphur.
Thực tế các loại vi khuẩn này vẫn trú ngụ trong khoang miệng, tập trung ở các vùng có nhiều mảng bám như kẽ răng, chân răng có cao răng và các khu vực ứ đọng trong miệng. Với số lượng nhỏ, nhóm vi khuẩn này sẽ không gây hại nhưng càng ngày lượng vi khuẩn càng tăng đột biến và mùi hơi thở sẽ ngày càng khó chịu hơn.
Chưa kể, nhóm vi khuẩn này sẽ nhân cơ hội có những tổn thương trong khoang miệng và tấn công vào đó, gây nên viêm nhiễm, tích mủ ngày một trầm trọng hơn.
Mùi hôi do thói quen ăn uống
Đồ ăn tồn đọng lại lâu trong khoang miệng và không được loại bỏ cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Và việc ăn uống khiến hơi thở có mùi sẽ do một vài yếu tố sau đây gây nên:
- Ăn các loại thực phẩm bám mùi lâu: Các loại thực phẩm bám mùi phải kể đến là các gia vị như hành tỏi, chúng có chứa hàm lượng sulphur khá lớn. Đó là lý do sau khi ăn hành, tỏi chúng ta luôn cảm thấy hơi thở có mùi nồng hơn.
- Hút thuốc lá: Tất cả những người có thói quen hút thuốc đều bị hôi miệng. Bởi lẽ thuốc lá là nguyên nhân khiến miệng bị khô, các chất bay hơi từ khoang miệng và từ phổi sẽ hoạt động mạnh hơn. Hơn nữa, khói thuốc cũng bám lại trên răng rất chắc nên việc vệ sinh là rất khó.
- Ăn các loại thực phẩm gây khô miệng: Như đã biết, việc khoang miệng bị khô sẽ khiến hơi thở dễ “bốc mùi” hơn. Do vậy nếu bạn thường xuyên để xảy ra tình trạng khô miệng, việc giải phóng các hợp chất nhiều sulphur sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ hơn. Ngoài thuốc là là loại sản phẩm dễ gây khô miệng nhất thì các loại đồ ăn nhiều đường, giàu protein hay các loại rượu cũng được xếp vào nhóm thực phẩm gây khô miệng.
Do mắc các bệnh lý răng miệng
Các bệnh lý răng miệng là sự cảnh báo về bất thường tại các tổ chức trong khoang miệng. Hầu hết các trường hợp bị hôi miệng để xuất phát từ đây nhưng sẽ rất khó để người bệnh có thể xác định một cách chính xác vị trí bốc ra mùi hôi. Theo đó, một vài bệnh lý mà bạn cần để ý bao gồm:
- Bệnh sâu răng: Sâu răng là bệnh khá điển hình, là quá trình ăn mòn cấu trúc răng bởi các loại vi khuẩn. Bệnh khiến răng xuất hiện các lỗ rỗng, khe hở và thức ăn rất dễ mắc vào, không được vệ sinh sạch sẽ và đần gây nên chứng hôi miệng.
- Bệnh liên quan đến nha chu, nướu: Đây là nguyên nhân bệnh lý phổ biến hàng đầu gây nên chứng hôi miệng. Các bệnh lý này có thể kéo theo biểu hiện viêm nhiễm, hoại tử, tích mủ khiến mùi hôi hơi thở ngày càng khó chịu.
- Các vết viêm loét trong khoang miệng: Viêm loét rất dễ gây nên mùi hôi, chưa kể các vết loét thường rất đau đớn và khó vệ sinh sạch sẽ.
- Mắc nấm Candida miệng: Là một loại nấm có thể gây nên nhiều bệnh lý răng miệng khác nhau, nấm Candida là nguyên nhân chính gây nên chứng tưa lưỡi, tưa miệng lan rộng đến các vùng khác nhau như nướu, trong má, sau cổ họng,… kèm theo đó là chứng hôi miệng.
- Hội chứng giảm tiết nước bọt khi ngủ: Điều này khiến miệng khô mỗi khi thức dậy và khiến hơi thở có mùi hôi tạm thời. Đó là lý do vì sao nhiều người luôn cảm thấy miệng có mùi khó chịu sau khi thức dậy.
Do các bệnh lý khác
Ngoài các bệnh lý liên quan trực tiếp đến khoang miệng, hơi thở có mùi khó chịu có thể là triệu chứng của các bệnh lý toàn thân khác mà hầu hết chúng ta không để ý tới. Ví dụ:
- Bệnh lý hệ tiêu hóa: Chứng trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh lý điển hình gây nên chứng hôi miệng. Khi thức ăn trào ngược và bám lại ở thực quản, mùi khó chịu cũng theo đó trào lên khoang miệng và gây mùi.
- Bệnh lý Tai mũi họng: Nhiễm trùng mũi họng, viêm amidan, viêm xoang,… cũng có thể gây ảnh hưởng đến khoang miệng và gây nên mùi hơi thở.
- Bệnh lý về tủy xương: Các bệnh lý ác tính về tủy xương răng như viêm ổ răng khô, viêm tủy xương, hoại tử xương cũng có thể là nguồn gốc của chứng hôi miệng.
- Bệnh đái tháo đường, bệnh về gan thận: Các bệnh lý này gây nên chứng hôi miệng là bỏi chúng làm phát sinh quá trình phân hủy mô mỡ trong cơ thể.
- Nhiễm khuẩn HP: Là loại vi khuẩn chính gây nên chứng viêm loét dạ dày tá tràng, nguyên nhân khiến chứng hôi miệng kéo dài không dứt điểm.
- Hội chứng hôi miệng mùi cá ươn: Hội chứng này dùng để mô tả những trường hợp cơ thể bị rối loạn chuyển hóa hoạt chất trimethylamine – chất điển hình có trong các loại thức ăn có mùi tanh. Khi đó loại hoạt chất này sẽ bị tích tụ tại gan và khiến hơi thở bốc mùi khó chịu. Hội chứng này khá hiếm gặp nhưng chúng thường có tính di truyền.
Ngoài các bệnh lý toàn thân, việc dùng thuốc cũng là một nguyên nhân của chứng hôi miệng có thể người bệnh đã vô tình bỏ qua. Việc dùng các loại thuốc hóa trị, xạ trị, chloral hydrate, amphetamine, phenothiazin,… đều có thể khiến hơi thở không thơm tho.
Hôi miệng gây nên những ảnh hưởng gì?
Chứng hôi miệng thực tế không gây nên những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể, trừ khi chúng là biểu hiện của các bệnh lý viêm nhiễm, hoại tử. Nếu phát hiện ra nguyên nhân gây hôi miệng là do viêm lợi nướu, áp xe răng, hoại tử chân răng,… người bệnh cần nhanh chóng thăm khám và điều trị triệt để bệnh. Nếu để lâu, phần chân răng bị yếu có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhai, nghiền thức ăn cũng có thể khiến răng bị rụng ở người trẻ tuổi.
Ngoài ra, những trường hợp hôi miệng khác chủ yếu là ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động giao tiếp hàng ngày của người bệnh.
Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết những bệnh nhân bị hôi miệng đều ngại tiếp xúc với người khác và họ luôn có cảm giác tự ti về bản thân, họ mặc cảm với chuyện giao tiếp. Đặc biệt, với những công việc đặc thủ như thuyết trình viên, ca sĩ, giáo viên, người bán hàng,… những người phải tiếp xúc và giao tiếp với nhiều người.
Nhiều người dường như bị tách biệt khỏi các cuộc nói chuyện vì e ngại về khuyết điểm của bản thân, điều này sẽ gây nên những tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần cũng như các mối quan hệ ngoài xã hội.
Đối với những người xung quanh, khi tiếp xúc với người bị hôi miệng, tất nhiên họ cũng sẽ cảm thấy khó chịu và có tâm lý né tránh, gây mất tập trung đến cuộc nói chuyện và họ cũng sẽ không muốn kéo dài cuộc nói chuyện này.
Làm thế nào để loại bỏ chứng hôi miệng
Không thể sống chung với chứng bệnh khó nói này, tốt nhất chúng ta nên tìm đến các phương pháp có thế loại bỏ triệt để chứng hôi miệng để cải thiện tâm lý giao tiếp của mình. Cụ thể, sau đây là những giải pháp giúp điều trị chứng hôi miệng nhanh nhất.
Mẹo dân gian chữa hôi miệng tại nhà
Có rất nhiều loại thảo dược được cha ông ta sử dụng để làm sạch khoang miệng, loại bỏ mùi hôi. Bạn đọc có thể tham khảo một vài gợi ý:
- Dúng lá bạc hà: Lá bạc hà vốn có tính mát, hương thơm, có khả năng kháng khuẩn và khử mùi khá tốt. Bạn có thể sử dụng lá bạc hà tươi, đem giã nát rồi lấy nước cốt pha loãng để súc miệng hàng ngày. Hoặc bạn cũng có thể nhai trực tiếp lá bạc hà để các tinh chất thấm vào chân răng.
- Uống trà xanh: Hoạt chất Polyphenol là thành phần rất quan trọng trong lá trà xanh, chúng có công dụng ngăn chặn vi khuẩn gây mùi rất tốt. Bạn có thể sử dụng trà xanh hãm nước uống hàng ngày, vừa loại bỏ mùi hơi thở, vừa giúp chống lão hóa toàn thân.
- Dùng chanh tươi: Dùng lớp vỏ xanh bên ngoài quả chanh làm sạch và nhai thật kỹ trước khi nuốt. Các tinh dầu trong vỏ chanh sẽ nhanh chóng giúp bạn lấy lại hơi thở thơm tho, dễ chịu. Bạn cũng có thể dùng nước cốt chanh thêm một chút muối trắng để súc miệng, đánh răng mỗi ngày.
- Gừng tươi: Nhờ vị cay, tính ấm và chứa một lượng tinh dầu thơm khá lớn nên gừng tươi có thể khử mùi hôi rất hiệu quả. Dùng gừng tươi đun sôi với nước lọc rồi cho thêm một chút muối, bạn có thể dụng nước này để súc miệng hàng ngày và nhanh chóng nhận thấy sự khác biệt.
- Dùng vỏ bưởi: Vỏ bưởi có chứa rất nhiều tinh dầu thơm nên có công dụng loại bỏ mùi hôi do vi khuẩn gây ra rất hữu hiệu. Bạn có nhiều cách để dùng vỏ bưởi chữa hôi miệng. Thứ nhất, nhai trực tiếp vỏ bưởi sau mỗi bữa ăn rồi súc miệng lại bằng nước ấm. Cách thứ hai, bạn hãy đun vỏ bưởi với nước lọc, thêm một chút muối để dùng làm nước súc miệng hàng ngày.
Thuốc Đông y chữa hôi miệng
Rất nhiều trường hợp tìm đến bài thuốc Đông y do chứng hôi miệng có dấu hiệu chuyển biến nặng và các mẹo dân gian không mang lại hiệu quả nhất định. Theo Đông y, hôi miệng là do vị nhiệt, phải điều trị theo nguyên tắc Thanh vị nhiệt, thông lợi đường tiêu hóa và chống lại viêm nhiễm. Một vài bài thuốc thường dùng gồm có:
- Bài thuốc số 1: Mộc thông, hoàng liên, đương quy, cỏ mực, thục địa, chi tử, đinh lăng, rau má.
- Bài thuốc số 2: Đương quy, cam thảo, chỉ xác, trần bì, hoàng bá, liên nhục, đinh lăng, hoài sơn, hoa hòe.
- Bài thuốc số 3: Rau má, đại hoàng, cam thảo, chỉ xác, đinh lăng, hoàng cầm, hoa hòe, đương quy, cỏ mực, bạch thược, hoàng kỳ.
- Bài thuốc số 4: Mộc thông, hoàng liên, tía tô, hoàng bá, trần bì, hoa hòe, hương như, chi tử, cỏ mực, bồ công anh.
Đặc thù của thuốc Đông y là bốc thuốc theo từng thể trạng cơ địa và triệu chứng cụ thể của người bệnh. Do vậy, người bệnh nên trực tiếp tìm đến các cơ sở phòng khám đông y uy tín để đảm bảo được bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc.
Chữa hôi miệng tại nha khoa
Nếu hôi miệng có liên quan đến các bệnh lý khác, bắt buộc bạn phải tới nha khoa để khám, chẩn đoán và lắng nghe chỉ định hướng điều trị.
Trước hết các bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng, sau đó quan sát về tình trạng các tổ chức quanh răng và xác định nguyên nhân chính gây nên chứng hôi miệng là gì. Từ đó, bác sĩ sẽ thực hiện các can thiệp nha khoa phụ thuộc vào tình trạng từng ca bệnh.
Để loại bỏ triệt để nguyên nhân gây hôi miệng do bệnh lý, người bệnh phải kiên trì điều trị một thời gian và cần dùng thuốc nếu bác sĩ yêu cầu. Ngoài ra, việc ăn uống và vệ sinh răng miệng cũng sẽ cần khắt khe hơn.
Hôi miệng nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Bạn biết đấy, hôi miệng liên quan rất nhiều đến thực phẩm mà chúng ta dung nạp hàng ngày. Do vậy, chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học cũng sẽ là một cách có thể giúp bạn ngăn chặn, loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng.
Thực phẩm nên ăn:
- Các loại trái cây giàu vitamin C: Vitamin C tự nhiên sẽ giúp làm sạch men răng một cách nhẹ nhàng, giúp mang lại hơi thở thơm tho. Các loại quả này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp tiêu diệt vi khuẩn rất hiệu quả.
- Lá gia vị: Cụ thể là lá bạc hà, lá quế, rau thơm,… chúng đều có chứa một lượng lớn tinh dầu thơm nên có thể mang lại hiệu quả cải thiện mùi hơi thở rất tốt. Tùy vào mỗi loại lá mà bạn nên có cách sử dụng khác nhau, ví dụ lá bạc hà, lá quế có thể nhai trực tiếp nhưng lá cà ri nên nấu lên để phát huy tốt công dụng, trong khi đó hoa tiêu nên rang thơm lên rồi mới sử dụng.
- Quả táo: Quả táo rất giàu thành phần polyphenol giúp làm sạch răng miệng tự nhiên, loại bỏ các loại vi khuẩn gây mùi và trung hòa các hợp chất gây nên chứng hôi miệng.
- Hạt cây thì là: Với hàm lượng chất khử trùng rất lớn, hạt cây thì là có thể loại bỏ triệt để các loại vi khuẩn đang phát triển trong khoang miệng, từ đó giúp hơi thở của bạn thơm tho hơn.
- Rau mùi tây: Là một loại rau có chứa hàm lượng diệp lục rất cao, ăn nhiều rau mùi tây giúp phá vỡ các hợp chất lưu huỳnh để chống lại chứng hôi miệng.
- Nước lọc: Có thể nhiều bạn chưa biết, uống nhiều nước là các ngăn chặn chứng hôi miệng nhờ việc giữ ẩm cho khoang miệng.
Thực phẩm nên kiêng:
- Cà phê: Là loại thức uống yêu thích của nhiều người nhưng thực tế cà phê không phù hợp cho những người bị hôi miệng. Chúng có thể bào mòn men răng, khiến răng chuyển sang màu vàng và đọng lại mảng bám trên răng. Mảng bám lâu không được vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến vi khuẩn trú ngụ và gây nên mùi hơi thở.
- Hành tỏi: Đây là nguyên nhân chính gây nên chứng hôi miệng vì chúng có chứa một hàm lượng lớn lưu huỳnh. Mùi hôi do hành tỏi để lại trong khoang miệng rất khó để loại bỏ hoàn toàn dù đã thực hiện đánh răng. Do vậy hãy hạn chế ăn hành tỏi, đặc biệt là hành tỏi chưa chế biến nếu như bạn đang gặp phải các vấn đề về hơi thở.
- Thực phẩm giàu protein: Protein là dưỡng chất thiết yếu của cơ thể người, chúng có nhiều trong các loại thực phẩm điển hình như thịt bò, thịt gà, thịt cừu,…. Tuy vậy khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein, quá trình tiêu hóa tại dạ dày sẽ khá chậm chạp, gây nên những hiện tượng ợ hơi kèm theo mùi hơi thở khó chịu của thức ăn chưa tiêu hóa.
Chữa hôi miệng ở đâu an toàn, triệt để
Với những trường hợp hôi miệng nhẹ, bạn hoàn toàn có thể thay đổi thói quen ăn uống và khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu là tình trạng khởi phát do bệnh lý, bạn đọc tuyệt đối không nên chủ quan mà cần thăm khám và điều trị sớm, tránh xảy ra biến chứng ngoài ý muốn. Nếu chưa biết nên thăm khám ở đâu, bạn đọc có thể tham khảo các bệnh viện sau:
- Khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ khám chữa đa khoa hoàn toàn có thể tin cậy vì tại đây hội tụ các bác sĩ đầu ngành với chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm. Khoa Răng hàm mặt của bệnh viện khám và điều trị tất cả các bệnh lý về răng miệng trong đó có chứng hôi miệng. Bạn có thể đến khám tại bệnh viện tất cả các ngày trong tuần, tuy nhiên cần sắp xếp thời gian để tránh phải đợi lâu vì bệnh viện tương đối đông bệnh nhân.
- Bệnh viện Răng hàm mặt TW Hà Nội: Là bệnh viện chuyên về Răng hàm mặt nên hầu hết các bệnh nhân gặp vấn đề về răng miệng đều ưu tiên đến đây khám chữa. Bệnh viện có quy mô rất lớn, có thể phục vụ cùng lúc nhiều bệnh nhân. Thêm vào đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, cũng giúp người bệnh yên tâm hơn khi điều trị.
- Khoa Răng – BV Trung ương Quân đội 108 Hà Nội: Nếu bị hôi miệng, bạn cũng có thể lựa chọn khoa Răng của bệnh viện TWQĐ 108 để khám và điều trị. Tại đây có khám BHYT nên chi phí rất phải chăng, các bác sĩ của bệnh viện cũng rất chu đáo và nhẹ nhàng với bệnh nhân.
- Khoa Răng hàm mặt bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM: Là một cơ sở mũi nhọn của y tế phía Nam, bệnh viện ĐH Y dược TPHCM sở hữu nhiều bác sĩ giỏi, tay nghề cao, sẵn sàng phục vụ hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi ngày. Tại đây luôn được nâng cấp hệ thống máy móc thiết bị, nhờ vậy mà hiệu quả thăm khám tại đây luôn được tin tưởng.
Phòng ngừa chứng hôi miệng như thế nào?
Không ai muốn hơi thở của mình có mùi khó chịu, do vậy trước khi xảy ra hiện tượng này, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa nhất định. Cụ thể, hãy tham khảo một vài biện pháp như sau:
- Đảm bảo việc vệ sinh răng miệng thật kỹ càng, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Chú ý làm sạch cả vùng lưỡi vì tại đây cũng có chứa rất nhiều vi khuẩn.
- Luôn uống đủ nước mỗi ngày, không đợi đến khi khát mới uống nước vì sẽ khiến miệng bị khô.
- Có thể nhai kẹo cao su thường xuyên để kích thích tiết nước bọt nhiều hơn
- Bỏ thuốc lá, ngừng uống cafe, rượu, các đồ uống có chứa cồn
- Hạn chế ăn quá nhiều các loại thực phẩm có mùi nặng, đồ ăn chứa nhiều đường hoặc giàu protein. Nếu ăn, sau khi ăn nên súc miệng thật kỹ càng.
- Nên thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 – 4 tháng sử dụng để tránh việc vi khuẩn bám trên bàn chải gây mùi. Ngoài ra, nên lựa chọn những loại bàn chải lông mềm để không gây tổn hại cho nướu lợi. Bên cạnh bàn chải, bạn đọc nên sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng, loại bỏ sạch sẽ các mảng bám.
- Điều trị triệt để các bệnh lý như bệnh tiêu hóa, bệnh gan thận, kiểm soát tốt bệnh lý đái tháo đường.
Chứng hôi miệng gây nên những bất tiện khó nói trong cuộc sống và công việc. Do vậy hãy chủ động hơn trong việc vệ sinh răng miệng và thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời can thiệp điều trị. Đừng để hôi miệng nghiêm trọng ảnh hưởng đến giao tiếp rồi mới tiến hành điều trị, lúc này bệnh sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể khắc phục triệt để.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!